Nội Dung Bài Viết
THÔNG TIN CÔNG TRÌNH
Thiết kế: d6thD design studio
Diện tích: 502m2
Năm: 2019
Ảnh: Inclined Studio
Kiến trúc sư trưởng: Himanshu Patel
Gia chủ: Nishant Patel

TRIẾT LÝ
Mẹ Trái Đất là một người rất hào phóng khi cung cấp đầy đủ cho nhu cầu thiết yếu của mọi người. Nhưng người không chu cấp để chúng ta thỏa mãn lòng tham của mình. Tuyên bố đơn giản này thể hiện sâu sắc nhất về hệ sinh thái trên Trái Đất cũng như mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Trong thời gian gần đây, những thay đổi về khí hậu, những dịch bệnh toàn cầu là những lời cảnh báo khiến con người thức tỉnh về những hành động tàn phá thiên nhiên trong quá khứ của mình. Và nhân loại cần có những hành động kịp thời để sửa chữa những sai lầm trong quá khứ.

Ấn Độ là nước đông dân thứ hai đồng thời cũng là một trong những công xưởng gia công công nghệ lớn trên thế giới. Ấn Độ hiện nay đang phải đối mặt với những vấn đề trầm trọng về ô nhiễm môi trường bởi hoạt động công nghiệp không kiểm soát. Chính vì thế việc xây dựng những công trình mang tính bền vững về kinh tế, văn hóa và hoạt động vận hành là điều cần được quan tâm trong thời đại này. Thay vì tìm đến những công nghệ xây dựng công trình xanh triệu đô đắt đỏ mà rất ít người dân Ấn Độ có thể chi trả, các kiến trúc sư đã hướng đến những kiến trúc bản địa đã tồn tại từ lâu. Đơn giản, hiệu quả và gần gũi, đó là những đặc điểm quý giá mà kiến trúc bản địa đem lại.

Aaranya Farmstay Resort là một farmstay nằm ở vùng nông thôn rìa khu bảo tồn sư tử Sasan Gir, Gujarat và được thiết kế bởi studio d6thD có trụ sở tại Ahmedabad, Himanshu Patel với những tiêu chí thiết kế đặc trưng của kiến trúc bản địa.

THIẾT KẾ
Những công trình ở chạy dài theo hướng Bắc Nam để tăng cường thông gió tự nhiên từ những cánh đồng xung quanh đồng thời giảm thiểu lượng nhiệt tác động bởi mặt trời. Đồng thời, với mục tiêu giảm thiểu các tác động tiêu cực từ khu vực như khí hậu thất thường cùng động đất, ngôi nhà được thiết kế chỉ một tầng. Mái nhà được xây dựng theo kiểu mái Thái dốc với hai đầu hồi cùng một phần mái hiên cắm cắm thẳng xuống đất giúp giảm thiểu tác động từ khí hậu mưa và nắng nóng của địa phương.

Mái nhà được làm từ đất nung – một vật liệu gắn liền với ký ức của nhiều thế hệ gia đình Ấn Độ và là hình ảnh đại diện cho gần nửa triệu ngôi làng Ấn Độ. Toàn bộ thiết kế của farmstay toát lên hình ảnh của kiến trúc Ấn Độ. Nhìn từ phía trước, phần mái dốc cắm xuống đất của ngôi nhà tựa như một cầu nối giữa mặt đất và bầu trời, giúp che nắng, gió cho tiền sảnh và đảm bảo sự riêng tư cho phòng ngủ.

Trong tương lai gần, toàn bộ mái nhà sẽ được bao phủ bởi những cây leo được trồng ở phần đuôi mái. Khi đó, ngôi nhà sẽ gần như biến mất, thay vào đó là một bụi cây mọc lên một cách tự nhiên, hòa hợp với những cây xoài đã được trồng trước đó. Trong lòng bụi cây ấy, người ta sẽ được trải nghiệm tiếng chim hót líu lo cùng mùi hoa ngào ngạt. Cảm giác thân thuộc, gần gũi với thiên nhiên khi vén những dây leo rủ xuống lối vào tạo nên một cảm giác hòa mình, ẩn náu vào thiên nhiên.

Hình thức kiến trúc này cũng đồng thời tạo nên cảm giác ấm cúng, được bảo vệ, gần gũi với mẹ thiên nhiên. Du khách sẽ có mọi thứ họ cần cho một trải nghiệm nghỉ dưỡng tại đây với phòng ngủ và phòng tắm đầy đủ tiện nghi. Phòng tắm với hai khu vực khô và ướt được ngăn cách với phòng ngủ bởi một không gian đệm nhỏ có tường làm bằng kính màu và chai thủy tinh tái chế. Nhờ không gian đệm này, ánh sáng tự nhiên khi xuyên qua sẽ tạo nên hiệu ứng đổi màu sặc sỡ, tạo nên niềm vui và sự phấn khích cho du khách. Ngoài ra, các giếng trời từ mái vòm phía trên cũng giúp không gian tắm luôn đủ ánh sáng, tạo nên trải nghiệm nghỉ dưỡng hoàn hảo nhất.

Các kiến trúc sư đã cùng mọi người nỗ lực để tạo nên những công trình đúng với tiêu chuẩn kiến trúc bản địa và phù hợp với bối cảnh địa phương. Công trình sử dụng những kỹ thuật thi công cũ như móng đá, tường chịu lực bằng đá sa thạch tự nhiên, mái vòm bằng gạch và mái ngói đất sét giúp tiết kiệm chi phí và thời gian thi công. Bên cạnh đó, những kỹ thuật thi công cũ này cũng giúp tạo việc làm cho người dân địa phương, đặt nền móng cho một xã hội bền vững.